John cũng chính là người đầu tiên đưa giống xoài có giá trị thương phẩm của Úc phổ biến ở VN, đem cơ hội đổi đời cho hàng trăm gia đình.
Đầu năm 2001, được sự giới thiệu của Viện Cây ăn quả Miền Nam, ông John đến vùng xoài tập trung Cam Lâm tìm nguồn để xuất khẩu. Đang mùa xoài chín rộ, ông John mua vài trái ăn thử. Người bán hỏi: “Xoài ở đây ngon không?”, vì “ngoại giao” ông lịch sự gật đầu. Tuy nhiên sau chuyến đi thực tế, khi cán bộ Sở NN-PTNT hỏi về tiềm năng xuất khẩu xoài Khánh Hòa, ông… lắc đầu: “Cảm nhận ngon hay dở không quan trọng bằng việc thị trường quốc tế có chấp nhận hay không. Giống xoài địa phương trái nhỏ, nước và xơ nhiều… không đáp ứng được yêu cầu”.
Muốn xuất khẩu, ông John đề nghị thay xoài địa phương bằng giống xoài mới đã có thương hiệu và được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Đây là đề nghị khá táo bạo vì phải nhập khẩu giống – ươm giống – trồng khảo nghiệm, nếu thành công mới chuyển giao cho nông dân trồng đại trà. Để hình thành được vùng nguyên liệu và xuất khẩu được giống xoài phải mất gần… 10 năm, mà chưa chắc thành công. Khoảng thời gian quá dài cộng với nhiều trở ngại không tên khác đủ làm chùn lòng bất cứ nhà kinh doanh nào. Dù vậy, ông vẫn cương quyết: “Đã thấy tiềm năng thì quyết tâm làm cho bằng được”.
Nói là làm, John bỏ tiền nhập 10.000 chồi xoài Úc vào VN. Dù chỉ trồng thực nghiệm trên 10 ha nhưng ông yêu cầu phải làm theo chuẩn quốc tế ở mọi công đoạn. Ông Mai Xuân Thương, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “John làm việc rất khoa học, ví dụ, ông áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, khoảng cách các cây đều thẳng tắp, lập sổ nhật ký trồng trọt… Khi thu hoạch thì cắt cuống trái đúng cự ly, không bị trầy xước, không bị ánh nắng rọi trực tiếp vào trái xoài”. Mãi đến tháng 6.2006, vụ “trái bói” đầu tiên được thu hoạch. Đó là lần đầu tiên xoài Úc trồng tại Khánh Hòa đi ra thị trường thế giới. Thấy khả thi, ông lập Trung tâm công nghệ xoài Úc và trang trại trồng xoài, đưa giống tới nông dân, phổ biến kiến thức trồng xoài, đầu tư xây dựng nhà xưởng thu mua xoài của họ rồi đóng gói xuất khẩu.
Nông dân Trần Thanh Hưng (TT.Cam Đức, H.Cam Lâm) cho biết: “Ông John xuống tận vườn hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ cách chăm sóc từng gốc cây, luôn hướng chúng tôi về một nền nông nghiệp sạch, bền vững, khai thác cây xoài một cách khoa học, có giá trị xuất khẩu. Từ khi nhà máy thu mua, chế biến của ông John hoạt động, cuộc sống dân trồng xoài đã khá hơn rất nhiều”.
Xoài Úc được ưa chuộng vì quả to, ít xơ, thịt chắc và nhiều, màu ửng đỏ rất đặc trưng, mỗi trái nặng gần 1 kg. Năm 2009, “ông xoài Úc” thu mua được 29 tấn xuất sang Hồng Kông, Malaysia, Singapore. Năm 2010 tăng lên 200 tấn, các năm tiếp theo mở rộng thị trường sang New Zealand, Nga, Trung Đông và cả… xuất ngược lại quê hương của giống xoài này (hàng xoài đông lạnh).
Ước mơ thương hiệu “xoài Úc” Khánh Hòa
Năm 2008, John lập Trung tâm công nghệ xoài Úc khoảng 6,6 ha gồm nhà máy sơ chế đóng gói và vườn xoài mẫu quanh nhà máy tại Cam Đức. Đồng thời, ông mở thêm trang trại 50 ha tại Khánh Vĩnh, và trang trại 10 ha tại Suối Dầu (đã tài trợ và tặng cho ngành nông nghiệp Khánh Hòa) làm mô hình khảo nghiệm và nhân giống, thúc đẩy mở rộng vùng nguyên liệu và trình diễn cho nông dân tham quan học tập phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn toàn cầu.
John mất vì bệnh ung thư cuối năm 2015. Tuy vậy, tâm huyết xây dựng thương hiệu “xoài Úc” Khánh Hòa ông đã kịp truyền hết cho con trai mình – Seth Andrew Morton. Đẹp trai như tài tử điện ảnh, đã từng mở phòng thu, lập ban nhạc biểu diễn nhiều nơi nhưng câu chuyện về những khó khăn và sự kiên trì của bố trong việc phát triển giống xoài Úc nhập tại VN làm Seth cảm phục và tự hào. Năm 2010, anh quyết định đến VN giúp cha phụ trách trang trại.
Người nước ngoài khi đến Khánh Hòa thường ở trung tâm TP.Nha Trang, nhưng Seth lại chọn về xã Cam Đức. “Nông thôn có ít trò giải trí nhưng bù lại không bị ngột ngạt bởi nhà cao tầng. Tôi thích làm nông dân và thấy thoải mái khi sống ở trang trại. Hơn nữa, tôi muốn hiểu rõ cây xoài Úc trồng tại Khánh Hòa khác thế nào với trồng tại Úc”.
Năm đầu tiên sống ở VN đối với Seth “thật sự khác biệt”. Chỉ từ năm thứ hai trở đi anh mới bắt đầu hiểu và cảm nhận những giá trị trong văn hóa Việt. Seth học cách trả giá, học ăn món Việt để thích nghi với hoàn cảnh mới. Anh nói: “Tôi phải học vì đã xác định lập nghiệp ở VN”.
Dù vẫn cần người phiên dịch, nhưng nhiều năm qua Seth đã đứng lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng xoài cho hàng trăm nông dân. Đến Cam Lâm dịp cuối năm, dù đã qua mùa nhưng nhìn những vườn xoài đều tăm tắp vẫn rất thích mắt. Seth tự hào: “Để thay đổi một tập quán không phải là việc một sớm một chiều. Trước đây nông dân cứ để cây xoài tự nhiên phát triển, cành lá xum xuê vì nghĩ nhiều cành sẽ nhiều trái. Nhưng bây giờ họ đã chấp nhận phương pháp mới chăm sóc cây một cách khoa học hơn, chịu tỉa cành, tạo tán, khống chế chiều cao nhất định cho cây xoài để dễ chăm sóc, thu hoạch…”.
“Sống ở VN, điều gì làm anh nhớ nhất?”, tôi hỏi. “Đó là người nông dân ở đây. Họ sống rất tình cảm, lạc quan và chân tình. Mỗi khi có cúng giỗ họ thường mời cha con tôi. Thích nhất là được ngồi nhậu với họ dưới gốc xoài”, Seth cười ha hả nói.
Đừng chỉ nhìn cái lợi trước mắt
Tốn bao công sức, tiền bạc để tạo dựng vùng nguyên liệu nhưng từ năm 2015, thương lái Trung Quốc tranh mua xoài, đẩy giá lên cao đột ngột khiến vùng nguyên liệu xoài Úc của cha con Seth bị mất. Một nông dân giấu tên ở Cam Lâm cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn ông cụ, nhưng xin lỗi, chỗ nào mua cao tôi bán”.
Giá trị thương phẩm gấp vài chục lần
H.Cam Lâm nổi tiếng về trồng xoài. Nhưng trước đây, người dân thường trồng “xoài trời” năng suất thấp, giá bán chỉ chừng 2.000 đồng/kg. Từ khi giống xoài Úc được phổ biến tại đây, vào dịp tết người dân có thể bán tới giá gần… 100.000 đồng/kg (gấp 50 lần), vào vụ xoài (tháng 4 – 6 hằng năm), bán cũng được 30.000 -60.000 đồng/kg. Giống xoài Úc Khánh Hòa cũng được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong ba năm từ 2014 – 2016. Hiện tại, diện tích trồng xoài Úc ở tỉnh Khánh Hòa gần 3.000 ha, trong đó Cam Lâm khoảng 2.000 ha.
Đối mặt với nguy cơ mất thị trường, Seth phân tích: “Đừng bao giờ lệ thuộc vào một thị trường duy nhất nào, vì thị trường đó có vấn đề không thể tiêu thụ được, người nông dân sẽ thua. Từ bây giờ, nông dân nên làm quen và áp dụng theo chuẩn toàn cầu Global GAP vì trái cây VN muốn vào thị trường châu Âu, Nhật, Úc phải đạt được tiêu chuẩn này”.
Nguồn : Lam Yên (https://thanhnien.vn/)