Thương lái vét xoài Úc

Vị Phó TGĐ Cty cho biết, với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó cây xoài bên Úc, năm 2002 ông John Edward Morton, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Nông sản EMU (Úc) đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư phát triển giống xoài này.

Được sự giới thiệu của Viện Cây ăn quả miền Nam, ông John Edward Morton đến Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa để tìm hiểu đầu tư…

Năm 2003, Trung tâm NNCNC Khánh Hòa đã nhập giống xoài R2E2 và KP từ Úc về trồng thử nghiệm tại Cam Lâm. Trong 3 năm, Cty EMU đã hỗ trợ trung tâm xây dựng trang trại 10 ha, đồng thời chuyển giao giống mới và kỹ thuật canh tác…

Năm 2008, Trung tâm Công nghệ xoài Úc và trang trại trồng xoài Úc chính thức được thành lập, bao gồm nhà máy sơ chế, đóng gói xoài Úc và khu vườn xoài mẫu làm mô hình trình diễn cho nông dân tham quan học tập SX tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ngoài ra, EMU cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân.

Sau vụ thu hái đầu tiên, rất nhiều chủ vườn ở các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Diên Khánh đã tìm đến tham quan khu vườn của “ông John xoài Úc”. Năm 2006 những vườn xoài Úc (do nông dân tự ghép) được mở rộng khoảng 30 ha.

Người dân Cam Lâm chủ yếu trồng giống xoài R2E2, cho trái có vị ngọt thanh, khi chín màu đỏ ửng, hương thơm đặc biệt, thích hợp trồng trên nhiều loại đất, kể cả vùng khô hạn. Trọng lượng bình quân 0,7 – 1,7 kg/trái, mỗi cây cho khoảng 70 kg trái.

Do sản lượng cao, giá cả và đầu ra ổn định nên người dân đua nhau đến “trang trại ông John” để mua giống và học cách trồng, lai ghép với cây xoài lâu năm.

EMU phải mất hơn 10 năm để khảo nghiệm, xoài Úc mới bén rễ ở Cam Lâm. Chỉ vì thương lái Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh, khiến Cty mất thị trường XK.

Năm 2010, sản phẩm xoài Úc trồng tại Cam Lâm đã được xuất sang 6 nước Malaysia, Indonesia, Singapore, Hồng Kông, Qatar, Nga.

Hiện diện tích trồng xoài Úc ở Cam Lâm lên đến 1.350 ha, chiếm 30% tổng diện tích xoài toàn huyện. Theo đánh giá của nông dân địa phương, xoài Úc cho hiệu quả kinh tế cao, có mẫu mã đẹp, được thị trường trong và nước ngoài ưa chuộng.

Tưởng rằng khi người dân tăng diện tích chuyển đổi sang trồng xoài Úc thì EMU ngày càng đảm bảo được nguồn hàng XK. Tuy nhiên, từ năm 2011 thương lái Trung Quốc đã đến đây lùng mua xoài.

“Thương lái Trung Quốc ngày càng thu mua mạnh, họ cắm chốt ở khắp nơi trên địa bàn huyện. Năm nay tổng sản lượng xoài Úc ở Cam Lâm ước khoảng 2.000 tấn, vậy mà chúng tôi chỉ thu mua XK được 80 tấn. Năm ngoái cũng chỉ xuất hơn 300 tấn.

Đã vậy, chúng tôi chủ yếu mua lại hàng thừa của người dân. Ngày nào thương lái Trung Quốc đã mua đủ hàng, còn thừa thì dân mới bán cho Cty.

Thương lái Trung Quốc luôn đưa ra giá thu mua cao hơn EMU. Cty vừa đưa ra giá thu mua 45.000 đ/kg thì họ lại trả 48.000 đ/kg. Cty không thể tăng giá thu mua thêm được nữa, vì giá bán cho các đối tác nước ngoài đã ổn định từ lâu. Muốn lên giá rất khó thuyết phục khách hàng.

Năm ngoái Cty có xuất xoài sang thị trường Nga. Năm nay Nga đã dừng hợp đồng vì giá quá cao. Hiện tình hình kinh doanh của Cty gặp khó khăn”, vị Phó TGĐ Cty EMU chia sẻ.

Cũng theo vị này thì, để kiếm được thị trường XK trái cây rất khó, việc đưa một sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lại càng khó hơn, đó là cả một quá trình.

Theo Mạnh Tuấn (https://nongnghiep.vn/)